Sáng 25/3, Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức hội nghị chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhằm đánh giá thực trạng triển khai công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, thống nhất triển khai một số ứng dụng, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành.
Các đại biểu dự hội nghị
Cùng với ngành giáo dục cả nước, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh Hải Dương đã có nhiều nỗ lực trong ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của ngành, như chuyển đổi số trong quản lý, dạy, học và kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy, học, số hoá thông tin quản lý, tạo cơ sở dữ liệu liên thông, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ 4.0, số hoá học liệu, thư việc số, phòng thí nghiệm ảo, đào tạo trực tuyến, thay đổi phương thức giảng dạy, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy hiệu quả…
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện ngành giáo dục Hải Dương đã cập nhật, thu thập thông tin vào cơ sở dữ liệu được 856 trường mầm non, phổ thông; 30.453 hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý; 495.976 hồ sơ, kết quả học tập, sức khoẻ của học sinh, kết nối và xác thực định danh hồ sơ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được 476.111 hồ sơ của học sinh, 29.437 hồ sơ cán bộ, giáo viên, đạt tỉ lệ trên 96%.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lương Văn Việt phát biểu tại hội nghị
Cùng với đó, 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường trong quản lý điểm, hồ sơ điện tử, kết nối API với cơ sở dữ liệu ngành thông tin về trường lớp, đội ngũ, học sinh, cơ sở vật chất. 100% dịch vụ công ngành giáo dục đã triển khai mức độ 3; mức độ 4; 90% hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến; 100% văn bản của Sở được phát hành dưới dạng văn bản điện tử tích hợp chữ ký số, liên thông với trục văn bản quốc gia.
Toàn tỉnh có trên 19.930 hồ sơ đăng ký trực tuyến thi tốt nghiệp THPT, trên 83.400 nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trực tuyến, 100% thí sinh thanh toán lệ phí xét tuyển không dùng tiền mặt, tra cứu thông tin hồ sơ, kết quả thi trực tuyến. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19: 100% các trường triển khai mạnh mẽ các hình thức dạy học trực tuyến với phương châm “Tạm ngừng đến trường nhưng không dừng học”, tất cả giáo viên đều được cấp tài khoản học tập chương trình GDPT 2018 qua mạng…
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), đại diện cơ sở giáo dục, một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ đã có ý kiến tham luận xoay quanh các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong nhà trường, các giải pháp về quản lý, điều hành, dạy học trực tuyến, quản lý thu chi, học phí không dùng tiền mặt...
Thời gian tới, ngành giáo dục Hải Dương định hướng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy chuyển số số trong giáo dục. Ngoài các nội dung trong chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục Hải Dương sẽ phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin. Triển khai bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của cơ sở giáo dục; triển khai các giải pháp đảm bảo dữ liệu trên cơ sở dữ liệu ngành. Triển khai hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; triển khai hệ thống quản lý thư viện điện tử, giáo án, sách điện tử, bài giảng điện tử, triển khai các ứng dụng quản lý điều hành và truyền thông giáo dục.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác nhằm triển khai chuyển đổi số
Tại hội nghị, đã diễn ra hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và các đối tác nhằm triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành trong năm học tới.