ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG LONG XUYÊN Số: /ĐA-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Long Xuyên, ngày tháng năm 2021 |
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2020-2025
VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết xây dựng đề án
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đúng mức và coi đó “là quốc sách hàng đầu”, với quan điểm "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư có lợi nhất...". Cùng với sự phát triển chung của cả thị xã , phường Long Xuyên là một trong những xã phường đã có nhiều cố gắng đầu tư cơ sở vật chất cho công tác giáo dục, vì vậy trong những năm gần đây đã đạt một số thành tích nổi bật, thành tích đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương. Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác giáo dục của Phường vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và truyền thống hiếu học của quê hương, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, nhanh chóng khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác giáo dục thời gian qua, tạo bước phát triển đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong thời gian tới, UBND phường Long Xuyên xây dựng "Đề án về phát triển giáo dục giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030".
2. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 06 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
- Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
- Nghị quyết đại hội Đảng bộ phường Long Xuyên lần thứ XX III nhiệm kỳ 2020-2025.
II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC- ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG
1. Những kết quả đạt được
1.1 Mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng phần lớn nhu cầu học tập của nhân dân
Mạng lưới cơ sở giáo dục của phường hiện nay như sau:
- Giáo dục mầm non:
+ Năm học 2016-2027 tổng số học sinh là 428, tổng số lớp là 14.
+ Năm học 2017-2018 tổng số học sinh là 458, tổng số lớp 14.
+ Năm học 2018-2019 tổng số học sinh là 458, tổng số lớp 14.
+ Năm học 2019-2020 tổng số học sinh là 438, tổng số lớp là 17.
+Năm học 2020-2021tổng số học sinh là 443, tổng số lớp là 18.
+Năm học 2021-2022 tổng số học sinh là 427 , tổng số lớp là 18.
- Diện tích đất dành cho nhà trường Mầm non là: 6900m2
- Giáo dục tiểu học:
+ Năm học 2016-2027 tổng số học sinh là 330, tổng số lớp là 13.
+ Năm học 2017-2018 tổng số học sinh là 364, tổng số lớp 13.
+ Năm học 2018-2019 tổng số học sinh là 359, tổng số lớp 13.
+ Năm học 2019-2020 tổng số học sinh là 547, tổng số lớp là 13.
+Năm học 2020-2021tổng số học sinh là 550, tổng số lopws là 18.
+Năm học 2021-2022 tổng số học sinh là 559, tổng số lớp là 18.
- Diện tích đất dành cho trường Tiểu học là: 5878m2
- Giáo dục Trung học cơ sở:
+ Năm học 2016-2027 tổng số học sinh là 208, tổng số lớp là 8.
+ Năm học 2017-2018 tổng số học sinh là 222, tổng số lớp 8.
+ Năm học 2018-2019 tổng số học sinh là 217, tổng số lớp 8.
+ Năm học 2019-2020 tổng số học sinh là 241, tổng số lớp là 8.
+Năm học 2020-2021tổng số học sinh là 258, tổng số lopws là 8.
+Năm học 2021-2022 tổng số học sinh là 241, tổng số lớp là 9.
- Diện tích đất dành cho trường Trung học cơ sở là: 6339m2
- Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ)
Hoạt động ổn định kết thúc năm học 2020-2021, mạng lưới cơ sở giáo dục nói chung đã đáp ứng hầu hết nhu cầu học tập cho nhân dân trong phường.
1.2. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được bổ sung về số lượng, thường xuyên được bồi dưỡng để nâng cao chất lượng
Trường Mầm non có 33 người; trong đó ĐH 23 người, CĐ 06 người, TC 4 người, Hợp đồng 01 Kế toán.
Trường Tiểu học có 30 người; ĐH: 18 người, CĐ: 12 người, hợp đồng 3 người (02 ngoại ngữ 01 tin học);
Trường THCS có 20 cán bộ, giáo viên; Thạc sĩ 01, ĐH: 17 người; CĐ: 02 người; Hợp đồng: 2 người.
- Hoạt động bồi dưỡng thường xuyên đã được chú trọng; trình độ chuyên môn của đội ngũ Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nâng lên đáng kể.
1.3. Có nhiều cải tiến trong công tác chỉ đạo, quản lý; chất lượng giáo dục ở các cấp học chuyển biến tích cực
Các trường học trên địa bàn đã có nhiều cải tiến trong công tác chỉ đạo, quản lý các hoạt hoạt động dạy học; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến. Tỷ lệ tốt nghiệp lớp 9 đạt 100%.
Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS tiếp tục được cũng cố vững chắc, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học được đẩy mạnh và đạt kết quả cao.
Công tác phát hiện bồi dưỡng học sinh khá, giỏi được quan tâm, chú trọng hơn và đạt được những thành tích đáng kể.
1.4.Công tác xã hội hoá giáo dục phát triển đúng hướng, có hiệu quả
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, xã hội, Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và sự tham mưu tích cực của các trường học đã có nhiều biện pháp tích cực để tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh. Môi trường giáo dục ngày càng được cải thiện. Thông qua thực hiện xã hội hóa giáo dục (XHHGD), các lực lượng xã hội đã tham gia ngày càng tích cực vào việc huy động trẻ đến trường, giám sát, đánh giá và hiến kế cho giáo dục, đóng góp tiền của xây dựng cơ sở vật chất trường học, đóng góp kinh phí cho giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau.
1.4.Sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy chính quyền.
Cấp uỷ, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng hướng. Tuy là địa phương nguồn thu còn hạn chế nhưng đã rất cố gắng huy động tốt các nguồn lực đầu tư phát triển GD-ĐT, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học Mầm non, trường Tiểu học, sân trường tường bao trường Trung học cơ sở. phối hợp tích cực của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng và các tầng lớp nhân dân trong các hoạt động GD-ĐT. Phát huy tốt quan điểm XHHGD của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn giáo dục của địa phương.
2. Những tồn tại hạn chế
2.1. Quy mô trường học diện tích đất dành cho giáo dục chưa đảm bảo.
Hiện nay trường Tiểu học diện tích chưa đảm bảo so với quy định của Trường chuẩn còn thiếu diện tích, công tác quản lý, chỉ đạo nâng cao chất lượng ở trường Trung học cơ sở gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với trường THCS quy mô nhỏ nên giáo viên dạy chéo môn chưa thể khắc phục được. Hệ thống trường học thiếu tính thống nhất, manh mún, chồng chéo nên vừa khó khăn cho công tác quản lý điều hành, vừa lãng phí trong đầu tư và bố trí đội ngũ. Diện tích quỹ đất dành cho giáo dục ít, quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học.
2.2. Cở sở vật chất trường học còn nhiều hạn chế
- Hiện nay hệ thống các trường MN, tiểu học và THCS vẫn còn thiếu phòng học, một số điểm trường các phòng học đã xuống cấp. Trung tâm HTCĐ được hình thành từ lâu nhưng chưa được quan tâm, chưa hoạt động.
- Sân chơi, bãi tập, nhà ăn bán trú, khu vệ sinh, của trường Tiểu học còn thiếu và không đồng bộ, bàn ghế học sinh không đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT... gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động dạy học, hoạt động tập thể, vui chơi giải trí và rèn luyện thể chất;
2.3. Đội ngũ CBQL, giáo viên không đồng đều
- Đội ngũ giáo viên và CBQL được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, vào từng thời điểm lịch sử khác nhau nên chất lượng không đồng đều và còn nhiều hạn chế. Một bộ phận giáo viên chưa thực sự cố gắng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, chậm đổi mới phương pháp dạy học nên hiệu quả công tác chưa cao, thậm chí có người còn vi phạm đạo đức lối sống, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người thầy trong xã hội. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo hiệu quả chưa cao.
- Số giáo viên có chuyên môn giỏi, đam mê và tâm huyết với nghề ngày càng ít, thiếu hạt nhân tích cực làm nòng cốt trong các nhà trường.
2.4. Chính sách đối với nhà giáo chưa thỏa đáng và còn nhiều bất cập
- Chính sách ưu tiên cho giáo viên công tác còn bất cập chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu các phương tiện phục vụ sinh hoạt tập thể, thể dục thể thao.
- Đời sống của cán bộ, giáo viên còn nhiều khó khăn, nhất là giáo viên mầm non ngoài biên chế.
2.5. Chất lượng giáo dục toàn diện còn hạn chế.
- Chất lượng giáo dục toàn diện chưa đồng đều vẫn còn sự chênh lệch lớn, hình thức học tập. Chất lượng giáo dục đạo đức chưa được chú trọng đúng mức. Một bộ phận học sinh chưa thực sự cố gắng tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu, còn buông xuôi, sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm hoặc đua đòi chạy theo thị hiếu tầm thường, thậm chí sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
- Chất lượng giáo dục thể chất còn nhiều hạn chế, thể lực học sinh chưa được nâng lên đáng kể;
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học THPT và học nghề đạt tỷ lệ thấp.
- Công tác xã hội hóa giáo dục tuy đã được quan tâm nhưng kết quả đạt được chưa cao và cũng chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục trên địa bàn phường.
- Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động cầm chừng, chưa mở được nhiều lớp chuyển giao khoa học cho nhân dân và chưa xuất phát từ nhu cầu học tập của nhân dân.
- Công tác nuôi ăn học sinh bán trú đang còn nhiều bất cập, như trường Tiểu học, chưa có nhà ăn bán trú, công tác phối hợp giữa nhà trường và địa phương chưa thực sự hiệu quả.
3. Nguyên nhân tồn tại
- Nhận thức vai trò, vị trí của giáo dục tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng sự chỉ đạo, triển khai thực hiện ở địa phương chưa đủ tầm, chưa theo kịp với tình hình thực tế. Một số Đoàn thể chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, chưa dành ưu tiên thỏa đáng cho phát triển của sự nghiệp GD-ĐT.
- Đầu tư của nhà nước cho GD-ĐT còn hạn chế; chính sách huy động, phân bổ nguồn lực tài chính cho GD-ĐT và cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, trong đó phần chi cho hoạt động chuyên môn là không đáng kể.
- Sự phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục: "nhà trường" - "gia đình" - "xã hội" chưa thực sự hiệu quả. Phương pháp giáo dục đạo đức còn nặng về lý thuyết, thiếu tính hấp dẫn, mặt khác có sự nới lỏng trong đánh giá học tập nên chất lượng giáo dục đạo đức còn nhiều hạn chế. Bệnh thành tích còn nặng nề chi phối mạnh việc dạy, học và thi cử. Mặt trái của kinh tế thị trường đã có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục. Nhu cầu về điều kiện và môi trường học tập của nhân dân ngày càng cao trong khi khả năng đáp ứng còn hạn chế.
- Cải cách hành chính và đổi mới công tác quản lý chưa theo kịp tình hình thực tiễn; Nguyên lý giáo dục: "Học đi đôi với hành - Lý luận gắn liền với thực tiễn - Nhà trường gắn liền với xã hội" chưa được thực hiện một cách đồng bộ.
- Sân chơi, bãi tập trong các nhà trường, phương tiện thực hành giáo dục thể chất yếu kém, không đồng bộ, hoạt động giáo dục thể chất gặp nhiều khó khăn.
II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐÊ ÁN
1. MỤC TIÊU
1.1. Mục tiêu chung:
Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo của phường nhà, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn lực con người phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu học tập của nhân dân trong phường.
Giáo dục con người phát triển toàn diện cả về nhận thức và đạo đức, gắn việc học tập lý thuyết với thực tiễn xã hội, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.
Tập trung đẩy mạnh chất lượng giáo dục đại trà và tập trung vào chất lượng giáo dục mũi nhọn, dạy học có phân hóa đối với học sinh. Phấn đấu đến năm 2025 Long Xuyên sẽ là đơn vị nằm trong tốp đầu về công tác giáo dục so với các xã, phường trong thị xã. Phấn đấu có nhiều học sinh giỏi cấp thị xã, tỉnh.
1.2. Mục tiêu cụ thể và định hướng đến năm 2030.
*Đối với giáo dục Mầm non
- Giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1.
- Tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cả về chiều cao và cân nặng xuống dưới 2,0% vào năm 2025
- Đề nghị biên chế đủ số lượng giáo viên cho trường, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đứng lớp, phấn đấu đến năm 2025 có 100% giáo viên đạt trên chuẩn.
- Tăng cường cơ sở vật chất cho trường đảm bảo xây dựng Trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 vào giai đoạn năm 2022- 2025.
* Giáo dục tiểu học:
- Duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi;
- Xây dựng thành công mô hình bán trú tại, khu nhà vệ sinh, bể bơi và đảm bảo đủ diện tích theo quy định.
- Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, dạy học có phân hóa đối với học sinh, chú trọng bồi dưỡng học sinh khá, giỏi và dạy phụ đạo học sinh yếu kém.
- Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên đứng lớp, đảm bảo tất cả giáo viên công tác trong trường tiểu học đều đạt chuẩn và sử dụng thành thạo máy vi tính.
- Đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2025 trường đạt chuẩn.
- Có kế hoạch chuyển trường về khu trung tâm theo đề án quy hoạch đô thị của phường
* Giáo dục Trung học cơ sở:
- Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn; bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS, có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng phân luồng mạnh sau THCS, chuẩn bị tốt cho giai đoạn sau. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời.
- Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách của nhà nước để học sinh sau tốt nghiệp THCS tiếp tục theo các trường THPT (cả 2 hệ) và học nghề. Phấn đấu đạt 90% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học các trường THPT và học nghề.
- Có kế hoạch chuyển trường về khu trung tâm theo đề án quy hoạch đô thị của phường
* Hoạt động của TT HTCĐ
- Nghiên cứu và đề xuất các lớp dạy nghề phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, từng bước thay đổi cơ cấu ngành nghề của nhân dân.
- Phối hợp thực hiện công cuộc xóa mù chữ, tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nhân dân tích cực tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục.
- Phối hợp với các tổ chức làm tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho nhân dân.
2. Nhiệm vụ và giải pháp
2.1. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh trong toàn ngành
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước kịp thời, nghiêm túc; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua khác trong toàn ngành.
- Tạo sự chuyển biến sâu sắc về ý thức, trách nhiệm, đạo đức, lối sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và sinh hoạt hàng ngày; xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, đồng sức, đồng lòng trong mỗi cơ quan trường học, tạo sức mạnh tổng hợp và quyết tâm cao để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị.
- Giáo dục định hướng tư tưởng đúng đắn cho CB, GV, HS quan tâm theo dõi tình hình thời sự địa phương, trong nước và thế giới, thường xuyên nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
- Coi trọng bộ môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong các trường học. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học bộ môn, gắn lý thuyết với liên hệ thực tiễn, đồng thời tạo hứng thú cho học sinh khi học các bộ môn này.
2.2. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch hệ thống trường học và cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân và nâng cao chất lượng giáo dục
Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch hệ thống trường lớp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người học đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các trường học, đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô và nâng cao chất lượng bồi dưỡng nhân tài trong thời kỳ mới.
Tích cực củng cố và hoàn thiện hệ mạng lưới Trung tâm học tập cộng đồng, bổ sung một số phương tiện thiết yếu, tạo điều kiện ban đầu để cho các trung tâm hoạt động có hiệu quả.
Quan tâm đúng mức tới việc xây dựng khuôn viên, cảnh quan sư phạm theo hướng xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, đẩy mạnh phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" ở các trường học.
2.3. Tích cực đổi mới công tác quản lý giáo dục
- Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, thực hiện tốt phân cấp quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị trường học và các cơ sở giáo dục; tạo động lực để cán bộ giáo viên tự giác, tự chủ đối với các hoạt động chuyên môn thông qua một cơ chế khoa học, chặt chẽ, lấy hiệu quả chuyên môn làm thước đo để đánh giá sự cống hiến và phân phối lợi ích.
- Thực hiện tốt các chủ trương về công khai chất lượng GD, nguồn lực cho GD, tài chính của các cơ sở GD, phát huy tác dụng của hoạt động giám sát xã hội đối với chất lượng, hiệu quả GD; Thực hiện chế độ tài chính đúng quy định. Chống các hiện tượng lạm thu, thu sai quy định dưới các danh nghĩa, hình thức khác nhau.
- Quản lý tốt các hoạt động dạy thêm, học thêm. Xử lý nghiêm các hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan.
- Thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng GD, công khai hóa kết quả kiểm định, thanh tra, kiểm tra đánh giá. Phát huy tốt vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng trong hoạt động quản lý GD.
2.4. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD đồng bộ và chất lượng; thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy học
- Tiến hành rà soát, đánh giá lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để đề nghị cấp trên sắp xếp, bố trí lại đảm bảo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ và đảm bảo về cơ cấu, chuẩn về trình độ, chấm dứt tình trạng dạy chéo môn.
- Xây dựng môi trường sư phạm dân chủ, bình đẳng, thúc đẩy sự nỗ lực phấn đấu và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Từng bước thực hiện việc học sinh đánh giá giáo viên, giáo viên đánh giá cán bộ quản lý nhà trường.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thiết bị - đồ dùng dạy học, tránh hiện tượng "dạy chay", "học chay" trong dạy và học.
- Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá kết quả học tập theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, biến quá trình học tập thành quá trình tự học có hướng dẫn và quản lý của giáo viên.
2.5. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – thiết bị đảm bảo tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học
Tích cực huy động các nguồn lực như nguồn ngân sách tỉnh, thị xã, phường, các nguồn tài trợ, nguồn đóng góp, nguồn huy động từ ủng hộ, lồng ghép các chương trình để tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, điện, nước, vệ sinh môi trường, cảnh quan cho các trường học một cách đồng bộ.
2.6. Đẩy mạnh công tác ủng hộ giáo dục, đa dạng hóa hình thức đào tạo, gắn đào tạo nghề với nhu cầu xã hội
- Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và mọi thành viên trong xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước, địa phương, mỗi dòng họ, mỗi gia đình, mỗi người dân.
- Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh;
- Thành lập Hội đồng giáo dục cấp phường và đề cao vai trò Hội đồng giáo dục cấp phường , có biện pháp chỉ đạo thích hợp để Hội đồng giáo dục hoạt động có nền nếp, có hiệu quả theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
- Phát huy vai trò của Hội khuyến học, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCSHCM để tổ chức, động viên các lực lượng xã hội tham gia hoạt động giáo dục, nhằm bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và động cơ học tập đúng đắn, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
- Kêu gọi, tranh thủ các nguồn đầu tư của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đầu tư cho giáo dục.
2.7. Thực hiện tốt chính sách xã hội trong giáo dục - đào tạo
- Thực hiện tốt các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về chế độ, chính sách đối với GD-ĐT.
- Triển khai thực hiện kịp thời Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cá Thông tư của Bộ Tài chính về “Hướng dẫn hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho các TTHTCĐ”.
- Rà soát, giám sát chặt chẽ việc cấp phát các chế độ cho học sinh như: Cấp tiền hỗ trợ chi phí học tập, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú
- Bố trí quỹ đất và kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất - thiết bị cho các trường học đảm bảo đạt chuẩn quốc gia vào năm 2030, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hoạt động chuyên môn.
2.8 Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn
- Trường mầm non: Xây dựng một nhà đa năng và 4 phòng học
- Trường tiểu học Xây dựng phòng học chức năng, xây dựng nhà đa năng, xây dựng 8 phòng, xây dựng khu nhà ăn bán trú, xây dựng khu nhà vệ sinh cho học sinh, xây dựng bể bơi, bổ xung quy hoạch diện tích sân chơi bãi tập còn thiếu, có kế hoạch chuyển trường về khu trung tâm của phường theo đề án quy hoạch chính quyền đô thị của phường
- Trường Trung học cơ sở: Xây dựng 02 phòng bộ môn, xây dựng 04 phòng, bổ sung quy hoạch số diện tích sân chơi, bãi tập còn thiếu. Có kế hoạch chuyển trường về khu trung tâm của phường theo đề án quy hoạch chính quyền đô thị của phường
2. Dự toán chi đầu tư giáo dục:
STT | Tên trường | Đơn vị tính | Số lượng | Đơn giá | Thành tiền (Triệu đồng) |
| | | | | |
1 | Trường mầm non | | | | |
| - Phòng học | Phòng | 4 | 500 | 2.000 |
| - Nhà đa năng | Nhà | 1 | 4000 | 4000 |
2 | Trường Tiểu học | | | | |
| - phòng đa chức năng | Phòng | 8 | 500 | 4.000 |
| - Nhà ăn bán trú | Nhà | 1 | 600 | 600 |
| - Nhà vệ sinh cho học sinh | Nhà | 1 | 500 | 500 |
| - Bể bơi | Bể | 1 | | 500 |
| - Mở rộng diện tích sân chơi | m2 | 1000 | | 416 |
3 | Trường THCS | | | | |
| - Phòng học đa chức năng | Phòng | 2 | 500 | 1.000 |
| + Phòng học | Phòng | 4 | 500 | 2.000 |
| + Mở rộng diện tích sân chơi bãi tập | m2 | 1000 | | 416 |
| Tổng | | | | 15.432 |
Tổng kinh phí đầu tư cho trường học là: mười năm tỉ bốn trăm ba mươi hai triệu ngân sách phường và ngân sách hỗ trợ cấp trên.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công chức văn hóa - xã hội:
Nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về GD-ĐT trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành và cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể cho từng năm và giai đoạn để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Đề án để bổ sung, điều chỉnh cũng như đề ra giải pháp, chính sách đồng bộ, đảm bảo thực hiện tốt Đề án phù hợp với thực tiễn địa phương; định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện Đề án báo cáo UBND phường. Tham mưu, đề xuất các chính sách liên quan đến phát triển đào tạo nghề của phường.
Phối hợp với Hội khuyến học, các trường học thực hiện tốt giáo dục thể chất, phòng chống các tệ nạn xã hội trong học đường, gắn với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng môi trường giáo dục trong nhà trường đảm bảo an toàn, trong sạch, tạo điều kiện để học sinh học tập, rèn luyện phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ.
2. Cán bộ Tài chính - ngân sách phường:
Phối hợp với Cong chức văn hóa phường đề xuất Uỷ ban Nhân dân thị xã phê duyệt Ngân sách sự nghiệp GD-ĐT của phường ; các cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh đảm bảo đủ, đúng đối tượng.
2. Trạm Y tế:
Chủ trì phối hợp Công chức văn hóa, các ngành liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để chỉ đạo thực hiện tốt công tác y tế học đường, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh góp phần nâng cao thể lực và phòng chống dịch bệnh trong các trường học.
3. Cán bộ Địa chính – xây dựng và Môi trường:
Chủ trì phối hợp với Công chức văn hóa, Các khu dân cư và các trường học lập quy hoạch bổ sung quỹ đất dành cho giáo dục.
5. Các Khu dân cư:
- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với GD-ĐT và vai trò, tầm quan trọng của GD-ĐT đối với công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội;
- Phối hợp với các ngành, đoàn thể trong phường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Đề án trên địa bàn; trước mắt tập trung xây dựng quy hoạch GD-ĐT cho địa phương, trên cơ sở đó có phương án quy hoạch đất và huy động các nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, các công trình trường học, trang thiết bị giáo dục đào tạo.
6. Uỷ ban Mặt trận tổ quốc phường và các ban, ngành, tổ chức đoàn thể:
Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và các ban, ngành, tổ chức đoàn thể của phường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên tham gia tích cực việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo chung của phường.
7. Các trường học trên địa bàn phường:
Bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ và giải phát của đề án xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm học, tích cực tham mưu cho UBND phường các phương án, giải pháp tổ chức cụ thể của từng năm. Triển khai đề án sâu rộng đến các thầy, cô giáo trong nhà trường. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những giáo viên không còn tâm huyết với nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp để xây dựng môi trường giáo dục thực sự trong sạch, vững mạnh.
Đề án phát triển GD&ĐT phường Long Xuyên giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 có tầm quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXIII nhiệm kỳ (2020 - 2025) nhằm phát triển toàn diện GD&ĐT trong những năm tới, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn phường. UBND phường yêu các ban ngành, đoàn thể, các hiệu trưởng nhà trường các đơn vị có liên quan cần nhận thức rõ, nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện ngay nhiệm vụ được giao./.
Nơi nhận: - Phòng Giáo dục và Đào tạo; - Thường trực Đảng ủy; - Thường trực HĐND phường; - Lãnh đạo UBND phường; - UB MTTQ và các Đoàn thể phường; - Hiệu trưởng các nhà trường, đơn vị có liên quan; - Lưu VP. | | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Phạm Văn Giang |