Thật khó tin, vùng đất Đạ Chais tươi mới hôm nay trước đây chỉ là những thung lũng thâm u, xơ xác. Thế “ngõ cụt”, sinh kế chưa bảo đảm và nhiều thứ khác đã khiến cuộc sống đồng bào ở xã anh hùng phía đông bắc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, thời gian dài rơi vào cảnh túng khó. “Giờ khác nhiều lắm rồi. Đạ Chais bây giờ là xã nông thôn mới, có quốc lộ ngang qua, thuận lợi lắm”, già làng, cựu chiến binh Ha Nhưng nói.
Thời kháng chiến, bà con ở các buôn làng Đạ Tro, Đồng Mang, Đưng K’Si, K’Long K’Lăn đều nhất tề theo cách mạng, tham gia kháng chiến. Già làng Ha Nhưng kể: “Xưa kháng chiến đói khổ, nhưng đồng bào mình không tiếc củ khoai, nương lúa tiếp tế cho bộ đội, một lòng theo cách mạng để bảo vệ buôn làng”. Lịch sử đã khắc ghi những người anh hùng và những chiến sĩ năm xưa giờ là những người uy tín của buôn làng. Những cựu chiến binh, già làng như Ha Nhưng, Ha Brai, Ha Siêng… giờ đang hằng ngày góp sức cùng thế hệ trẻ tiếp nối mạch nguồn cách mạng, xây dựng buôn làng ngày càng tươi đẹp, văn minh. Cil Ha Niên, Bí thư Đoàn xã Đạ Chais, là thanh niên làm kinh tế giỏi. Cha anh ngày xưa từng cầm súng theo cách mạng. Anh nói: “Mình rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên ở vùng quê cách mạng. Tiếp nối truyền thống anh hùng của cha ông, bà con các buôn làng luôn nỗ lực giúp nhau phát triển kinh tế, cuộc sống đã đổi thay từng ngày”.
Dân số Đạ Chais khoảng hai nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hơn 83%. Với chủ trương dễ làm trước, lựa chọn các tiêu chí phù hợp để thực hiện, xã Đạ Chais đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. “Đạ Chais có được diện mạo như hôm nay, cùng với các nguồn lực, chính sách hỗ trợ, thì sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân là điều quan trọng. Bà con đã thay đổi tư duy sản xuất, học cách làm ăn mới để tạo sinh kế bền vững, phát huy lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, Chủ tịch UBND xã Thân Văn Nghiên cho biết.
Dừng ở lưng chừng núi, có thể thấy được diện mạo mới của xã anh hùng Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh; với những buôn làng bình yên, những vườn cà-phê, dâu tằm, cây ăn trái xanh mướt. “Đinh Trang Thượng khác xưa rồi, đường chính ngang qua xã đã trải nhựa, giao thông thuận tiện, nông sản được lưu thông tốt hơn nhiều. Xã anh hùng, xã nông thôn mới mà…”, ông Nròng Chi nói. Gia đình ông Nròng Chi thuộc tốp đầu của xã về phát triển kinh tế, với 5 ha đất sản xuất, ông thực hiện mô hình đa cây, trồng cà-phê xen canh cây ăn quả và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên đạt hiệu quả kinh tế cao. “Nhiều bà con trong xã đến tìm hiểu, học hỏi mô hình sản xuất của mình, giờ kinh tế gia đình đã khá giả”, ông Nròng Chi chia sẻ.
Xã Đinh Trang Thượng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978. Cách đây chừng mười, mười lăm năm, xã vùng sâu với hơn 83% đồng bào DTTS sinh sống này còn nhiều khó khăn. Với quyết tâm thoát khỏi danh sách xã nghèo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đồng thuận xây dựng nông thôn mới. Việc trước mắt là tập trung giải pháp tạo sinh kế bền vững, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung thực hiện chương trình tái canh cà-phê; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất; phát triển mô hình trồng xen canh, nghề trồng dâu nuôi tằm, sản xuất rau thương phẩm…
Đinh Trang Thượng hôm nay đổi thay rõ nét, xã cán đích nông thôn mới năm 2020, danh sách hộ khá giả đã nối dài, như gia đình ông K’Chiều, K’Mé, K’Tế, K’Phang, K’Krài, K’Bảy... Trên những cung đường thôn, buôn đã xuất hiện nhiều ngôi nhà khang trang, các dịch vụ như ở đô thị đã xuất hiện nhiều ở vùng đất thâm u một thời này. “Xưa, vùng này khó khăn lắm, đường sá đi lại khó khăn, tập quán sản xuất lạc hậu, nên cuộc sống bà con cứ luẩn quẩn đói nghèo. Nhờ tập trung tuyên truyền, vận động; triển khai các chương trình dự án, chính sách phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của người dân, đến nay đời sống bà con xã anh hùng đã phát triển vượt bậc”, Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng K’Đô chia sẻ.
Tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc, đồng bào DTTS hơn 25,7% dân số. 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn tại địa phương hơn 3.700 tỷ đồng; thu hút 115 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, tổng vốn đăng ký 5.800 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có ba huyện và 101 trong số 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 71,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,32%, vùng đồng bào DTTS còn 3,58%. Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của cả nước; định hướng chiến lược đến năm 2030 là tỉnh khá toàn diện, tự cân đối ngân sách, có đóng góp cho Trung ương và đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng bộ. “Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, yếu tố quan trọng đó là tập hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân trong tỉnh, quyết tâm phấn đấu vì mục tiêu xây dựng Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp, văn minh”, đồng chí Trần Đức Quận, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Toàn tỉnh Lâm Đồng có 29 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 14 xã. Hiện 11 xã anh hùng đã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Giờ đây, đêm đêm, bên ánh điện tỏa sáng, lũ trẻ buôn làng vẫn háo hức chờ nghe kể chuyện anh hùng và những huyền thoại ■