Hiệp hội Nếp cái hoa vàng Kinh Môn được xem là đơn vị tiên phong trong việc sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Tổng diện tích lúa nếp cái hoa vàng toàn thị xã đạt 813 ha. Trong đó, có đến 50% diện tích đã được người dân ký kết với Hiệp hội Nếp cái hoa vàng Kinh Môn để bao tiêu sản phẩm sau mỗi vụ thu hoạch. Trung bình mỗi dịp Tết Nguyên đán, Hiệp hội chuẩn bị khoảng từ 50-60 tấn gạo nếp cái hoa vàng để cung ứng ra thị trường. Chủ yếu là qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn trong cả nước.
Trong những năm gần đây, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã phát huy vai trò trong việc liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Vừa tạo doanh thu lợi nhuận cho hợp tác xã và cũng thúc đẩy sản xuất của địa phương, nhất là các sản phẩm thế mạnh. Tiêu biểu như hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân An, Hiệp Hòa, Hiến Thành, Long Xuyên, Minh Hòa, Hiệp An, Thái Sơn, An Sinh, Phạm Mệnh, Duy Tân, Minh Tân đã liên kết sản xuất với Trung tâm chuyển giao công nghệ Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình, Công ty cổ phần giống cây trồng Hải Dương, Công ty Cổ phần Nông nghiệp thương mại Đại Dương - Hà Nội, Công ty cổ phần giống cây trồng - Nông sản xuất khẩu Kiên Giang cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân.
Thị xã Kinh Môn là quê hương của Bột sắn dây với diện tích trên 400ha. Những năm trước, mỗi vụ thu hoạch, sắn dây Kinh Môn hầu hết được các thương lái thu mua và xuất bán củ thô xuống Hải Phòng, Quảng Ninh nên giá trị không cao. Khoảng gần chục năm trở lại đây, nhiều hộ dân đứng ra đầu tư xưởng sản xuất để chế biện bột sắn dây và đã xây dựng được thương hiệu sắn dây Kinh Môn như gia đình ông Bùi văn Thành, ông Đỗ Văn Xe ở xã Thượng Quận, hộ ông Nguyễn Văn Kháng ở phường An Phụ. Các cơ sở này đã góp phần thu mua, bao tiêu sản phẩm tại chỗ cho người dân để người dân yên tâm hơn trong sản xuất. Chính bởi vậy mà diện tích trồng sắn dây của thị xã nhiều năm qua vẫn được duy trì và có chiều hướng mở rộng.
Hàng năm, thị xã hỗ trợ cho nông dân đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất; Hỗ trợ xây dựng giao thông, kênh mương nội đồng cho vùng quy hoạch trồng rau màu tập trung và vùng lúa nếp cái hoa vàng tập trung tại các xã, phường: Long Xuyên, Thất Hùng, An Sinh và vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp trồng lúa - nuôi rươi, cáy và du lịch sinh thái, quy mô 45 ha tại phường Minh Tân. Hỗ trợ phân bón trồng tỏi tập trung và phân bón Neb26 trồng hành, tỏi vùng đất vàn thấp; mô hình sản xuất và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hữu cơ dùng chế phẩm sinh học EMINA trên cây hành, tỏi tại các xã, phường: xã Hiệp Hòa, xã Thượng Quận, phường Hiến Thành, phường An Sinh; Sản xuất theo quy trình Vietgap: Vùng chuyên canh rau màu 10 ha tại phường Hiến Thành; Vùng sản xuất ổi 10 ha tại phường Thất Hùng.
Việc đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là bước đi đúng đắn và bền vững cho sản xuất nông nghiệp của thị xã trong mục tiêu hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông nghiệp xanh. Chính điều này đã tạo được sức bật lớn trong phát triển nông nghiệp của thị xã. Đến nay, giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản đạt 2.210 tỷ đồng, giá trị sản phẩm/héc ta đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đạt 220 triệu đồng. Kinh Môn luôn là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và giá trị thu nhập bình quân trên héc ta đất nông nghiệp vượt xa so với bình quân chung của tỉnh./.
Thu Xuân